Câu chuyện về vị thiền sư nổi tiếng tại chùa Tiêu Sơn (Bắc Ninh) – Thiền sư Như Trí sau khi mãn duyên độ sinh, ngài nhập thất kiết già và để lại nhục thân bất hoại hay còn gọi là toàn thân xá lợi cho đời sau. Người dân làng Tương Giang ai cũng biết và thường kể cho nhau nghe về câu chuyện này. Tuy nhiên, thực hư thế nào, nhục thân của vị thiền sư này ra sao thì đến nay vẫn còn mang nhiều điều bí ẩn…
Pho tượng kỳ lạ trong am tháp cổ
Đi theo đường Hà Nội – Bắc Ninh, đến ki-lô-mét 20 nhìn về bên trái, một ngôi chùa cổ kính, trầm mặc tọa lạc trên lưng chừng núi. Đó là chùa Tiêu Sơn, tên chữ Thiên Tâm tự, nay thuộc xã Tương Giang, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.
Gặp chúng tôi, Ni sư Đàm Chính (gần 90 tuổi – trụ trì chùa Tiêu Sơn) với dáng vẻ thư thái, hồn hậu, điềm tĩnh kể: Nơi đây từng là nơi trụ trì của thiền sư Lý Vạn Hạnh – người đã có công nuôi dạy Lý Công Uẩn, vị vua đầu tiên của triều Lý. Chùa Tiêu còn được biết đến là chốn tu thiền huyền bí của người xưa và là trung tâm Phật giáo cổ xưa của Việt Nam.
Hiện nay, ngôi chùa vẫn còn lưu giữ bức tượng cổ độc đáo, vô giá: Nhục thân thiền sư Như Trí – đệ tử của thiền sư Chân nguyên, ông cũng chính là người đã có công trùng tu, khắc in, biên tập một số cuốn sách nổi tiếng đời Trần.
Đây được xem là 1 trong 4 pho tượng độc đáo nhất Việt Nam được làm theo hình thức: Thiền Táng hay còn gọi là Tượng Táng – thuật ngữ do nhà nhân học Nguyễn Lân Cường đặt từ năm 1983, khi lần đầu tiên ông nghiên cứu những nhục thân ở chùa Đậu, huyện Thường Tín (Hà Nội)
Ni sư Đàm Chính cũng chính là người đầu tiên phát hiện ra nhục thân thiền sư Như Trí kể, vào một ngày mưa năm 1971, khi quét dọn tháp Viên Tuệ, bỗng dưng một viên gạch màu đỏ rơi xuống. Qua khe hở, Ni sư bất ngờ khi trông thấy một nhà sư đang trong tư thế ngồi thiền, đôi mắt nhằm hờ như đang suy tư về cõi Phật. Đầu thiền sư hơi cúi xuống, lưng cong gập, hai tay đặt trước bụng, chân ngồi dạng thiền khoanh tròn, chân trái ở dưới, chân phải đặt lên trên.
Quá đỗi bất ngờ, xúc động nhưng vì không muốn phạm tới thiền sư, lại sợ áp lực dư luận nên Ni sư đã quyết định bịt chặt khe nứt và giữ kín mọi chuyện. Chỉ đến khi, lời đồn thổi về bức tượng lan truyền, một người đàn ông trong làng vì tò mò đã gỡ viên gạch trong tháp cổ, dùng cành cây chọc thử khiến mặt trái bức tượng bị hư hỏng nặng.
Biết không thể giấu mãi, năm 1996, khi Hòa thượng Thích Thanh Từ – trụ trì Thiền viện Trúc Lâm ở Đà Lạt và Tỳ kheo Thích Kiến Nguyệt Tổng thư ký thiền phái Trúc Lâm tới thăm chùa Tiêu Sơn, Ni Sư Đàm Chính đã thổ lộ điều bí mật này. Từ đây, thân thế đặc biệt cũng như những điều bí ẩn về nhục thân của thiền sư nổi tiếng trong ngôi tháp cổ chùa Tiêu Sơn mới dần được hé lộ.
Thi hài thiền sư Như Trí được các đệ tử phết bên ngoài bằng một lớp bồi gồm đất tổ mối, sơn ta, mùn cưa, giấy dó
Vén màn bí mật sau 60 năm chôn giấu
PGS. TS. Nguyễn Lân Cường – người trực tiếp lãnh đạo nhóm tu bổ pho tượng cho biết, cũng giống như nhục thân hai vị thiền sư chùa Đậu (Thường Tín, Hà Nội), thiền sư Như Trí cũng được các đệ tử phết bên ngoài bằng một lớp bồi gồm đất tổ mối, sơn ta, mùn cưa, giấy dó. Tuy nhiên, điều khác biệt của pho tượng táng này là bên trong của nhục thân có những tấm đồng mỏng, đặt ở trước ngực và sau lưng có tác dụng đỡ cho nhục thân của ngài ở tư thế vững chãi qua nhiều năm không bị gục xuống
Khi các nhà khoa học lật ngược nhục thân để nghiên cứu phần trong lòng, họa sỹ sơn mài Đào Ngọc Hân và PGS.TS. Nguyễn Lân Cường đã vô cùng ngạc nhiên khi phát hiện ra một khối hợp chất bằng quả bưởi nằm chính giữa phần bụng.
Khối hợp chất này được gửi đi phân tích tại Viện Khoa học Tự nhiên và Công nghệ quốc gia. Kết quả khiến giới khoa học, khảo cổ phải sửng sốt: đây chính là phần nội tạng trong bụng thiền sư. PGS Nguyễn Lân Cường khẳng định: “Có thể nói đây là lần đầu tiên ở Việt Nam chúng ta phát hiện và chứng minh được điều kỳ diệu này. Ở Ai Cập khi thực hiện ướp xác người ta phải lấy não, phủ tạng ra khỏi cơ thể. Trong khi đó, tượng nhục thân của chúng ta không có chuyện này vì hộp sọ không bị đục vỡ. Ở nhục thân Như Trí lại còn tìm thấy được nội tạng dưới thể cô đọng lại. Điều đó, khiến chúng ta có thể suy luận rằng trong bụng thiên sư Vũ Khắc Minh ở Chùa Đậu, huyện Thường Tín (Hà Nội) chắc cũng còn lại khối vật chất là phần nội tạng mà qua phim X quang không thể phát hiện được…”.
Tuy nhiên, một câu hỏi được đặt ra là, tại sao trải qua nhiều năm, với sự xâm hại nghiêm trọng của thời tiết, vi khuẩn, côn trùng, lẽ ra toàn thân của ngài đã phải trở về với cát bụi, thế nhưng, vì sao cơ thể thiền sư Như Trí vẫn như còn nguyên vẹn trong tư thế thiền?
Lý giải về điều này, PGS Nguyễn Lân Cường cho rằng, các nhục thân hiện nay chỉ mới được phát hiện ở các vị thiền sư. Họ phải là những người có cả một quá trình tu hành đắc đạo. Trên thế giới tới nay chỉ ở ta và Trung Quốc có kiểu táng thức đặc biệt này. Trung Quốc gọi là “Giáp chữ tất” (sơn ta bó lụa). Ở Việt Nam, ngoài nhục thân thiền sư Như Trí ở Chùa Tiêu còn có 3 pho tượng được làm theo hình thức thiền táng là nhục thân thiền sư Vũ Khắc Minh, Vũ Khắc Trường ở Chùa Đậu (Hà Nội) và thiền sư Chuyết Chuyết chùa Phật Tích (Bắc Ninh).
Hành trình táng tượng được thực hiện như thế nào?
Qua việc nghiên cứu nhục thân của các vị thiền sư, kết hợp với các truyền thuyết dân gian, PGS Nguyễn Lân Cường đã mô tả hành trình táng tượng như sau: Sau khi các nhà sư viên tịch trong tư thế ngồi thiền, họ được các học trò quét lên trên người một dạng hỗn hợp dày để làm khung đỡ giữ cho xác nguyên dạng gồm: Đất gò mối, trộn với mùn cưa, giấy dó giã thành bột sau đó trộn với sơn ta thành một hỗn hợp sền sệt dạng keo dính. Tất cả quá trình phải trải qua các bước: sơn, hom, bó, thí, lót.. đúng như kỹ thuật làm các hoành phi câu đối… Cuối cùng mới là dát những lá bạc, lá vàng mỏng và quang dầu ở bên ngoài… Riêng nhục thân Như Trí ở chùa Tiêu Sơn, bên trong có những tấm đồng mỏng để giữ cho bức tượng không bị đổ.
Còn theo một số hòa thượng ở chùa, một người bình thường khi chết đi không thể giữ được tư thế ngồi như các vị Thiền sư. Đây đều là những di hài thực sự của người đã viên tịch trong khi ngồi thiền với mục đích để thân thể của họ trở nên vĩnh cửu.
Sau khi nhập tịch, các nhà sư phải tuân thủ một chế độ ăn uống vô cùng thanh đạm và kham khổ. Giai đoạn quan trọng nhất mang lại thành công là những nhà sư phải giảm tối đa nhu cầu ăn uống, dần dần dẫn đến nhịn ăn. Theo câu chuyện kể còn lưu truyền từ rất lâu ở chùa Đậu, Thiền sư Vũ Khắc Minh sau khi nhập am có nói với đệ tử rằng: “Mang cho ta một chum nước uống và một chum dầu để thắp. Khi nào thấy dứt tiếng mõ hãy mở cửa am ra. Nếu thấy thi thể của ta đã hỏng, thì dùng đất am lấp đi, còn ngược lại thi thể vẫn thơm tho thì dùng sơn ta bả lên thi thể…”.
Sau 100 ngày nhập tịch, tiếng mõ trong am dứt, các học trò đã mở am, phát hiện thiền sư Vũ Khắc Minh viên tịch trong tư thế vẫn ngồi kiết già, không có mùi hôi thối, các học trò đã lập tức tiến hành táng tượng.
Tuy đã có những nghiên cứu và nhiều giả thuyết được đặt ra, nhưng phương pháp thiền táng vẫn là một bí ẩn lớn chưa có lời giải thấu đáo. Để giữ được nguyên trạng các bức tượng vô giá này, sau khi tu bổ, các nhà khoa học đã đưa các vị sư vào tủ kính, sau đó bơm Ni tơ vào để bảo quản. Với phương pháp này, các nhà khoa học khẳng định, các bức tượng vô giá trên sẽ được bảo vệ để trường tồn cùng thời gian.